Những điều cần biết về du học Mỹ
Muốn xin học bổng du học Mỹ, bạn phải chuẩn bị một bộ hồ sơ ấn tượng và trả lời phỏng vấn thành công.
1. Điều kiện về học lực, trình độ tiếng Anh khi đi du học Mỹ?
Yêu cầu về lực học: Các trường học tại Mỹ không có một chuẩn chung cố định nào về điều kiện học lực cũng như trình độ tiếng Anh khi xét hồ sơ xin học của du học sinh Quốc tế. Mỗi trường khác nhau có thể có những yêu cầu về đầu vào khác nhau. Tuy nhiên, có thể nói để được chấp nhận vào học tại các chương trình Phổ thông Trung học (PTTH) và Cao đẳng (CĐ) ở Mỹ thì học lực của bạn chỉ cần đạt mức trung bình trở lên.
Riêng đối với các trường đại học (ĐH), bạn nên có điểm trung bình học tập tối thiểu từ 6.5 thì hồ sơ của bạn mới có cơ hội được chấp nhận. Mặt khác, ở một số ngành đặc biệt như Y, Dược, Luật, Hội họa, Kiến trúc… ngoài thành tích vượt trội về học tập thì điều kiện để được chấp nhận vào học còn phải dựa vào một số yếu tố như thể hiện khả năng của bạn về chuyên ngành mà mình muốn đăng ký học.
Yêu cầu về trình độ tiếng Anh: Thông thường, khi đăng ký học chương trình PTTH, bạn không bị bắt buộc phải thi IELTS, TOEFL… Các bạn chỉ cần làm một bài thi tiếng Anh có tên là SLEP (Secondary Level English Proficiency) và đạt khoảng 45 điểm trở lên (một số trường thậm chí yêu cầu điểm SLEP thấp hơn). Bài thi này có thể làm tại các văn phòng du học được trường chỉ định tại Việt Nam hoặc làm trực tiếp tại trường nếu bạn có cơ hội.
Trong trường hợp điểm SLEP của bạn không đạt yêu cầu, bạn vẫn có thể sang trường học chương trình PTTH với điều kiện trường có cung cấp khóa học tiếng Anh cho bạn và phải được ghi rõ trong mẫu Form I-20. Form I-20 là một loại tài liệu theo quy định của Sở Nội vụ Mỹ được cấp bởi các trường CĐ, ĐH và trung học, thể hiện các thông tin quan trọng hỗ trợ cho quá trình cấp visa hay thay đổi trạng thái visa. Fom này cũng bao gồm thông số về sinh viên, hỗ trợ cho việc quản lý học sinh trong hệ thống SEVIS (Student and Exchange Visitor Information System) của Mỹ.
Trong trường hợp điểm SLEP của bạn không đạt yêu cầu, bạn vẫn có thể sang trường học chương trình PTTH với điều kiện trường có cung cấp khóa học tiếng Anh cho bạn và phải được ghi rõ trong mẫu Form I-20. Form I-20 là một loại tài liệu theo quy định của Sở Nội vụ Mỹ được cấp bởi các trường CĐ, ĐH và trung học, thể hiện các thông tin quan trọng hỗ trợ cho quá trình cấp visa hay thay đổi trạng thái visa. Fom này cũng bao gồm thông số về sinh viên, hỗ trợ cho việc quản lý học sinh trong hệ thống SEVIS (Student and Exchange Visitor Information System) của Mỹ.
Đối với bậc CĐ, yêu cầu đầu vào về tiếng Anh là điểm IELTS đạt 5.5, hay TOEFL iBT đạt 61 trở lên. Ở bậc ĐH và cao học thì mức yêu cầu sẽ cao hơn, thông thường IELTS 6.0-6.5, TOEFL iBT từ 79-90 trở lên…
Một số trường không bắt buộc bạn phải cung cấp các chứng chỉ này khi nộp hồ sơ mà cho phép bạn tham gia một khóa tiếng Anh trước khi đăng ký học khóa chính. Các khóa tiếng Anh có thể được giảng dạy ngay tại trường hoặc bạn có thể đăng ký học tại bất kỳ một đơn vị giáo dục nào khác có liên kết với trường. Ngoài ra, khi đăng ký học bậc thạc sĩ trở lên tại đại đa số các trường ĐH, bạn có thể được yêu cầu cung cấp thêm về điểm GMAT hoặc GRE tùy từng ngành học.
2. Việc chuẩn bị một bộ hồ sơ du học Mỹ như thế nào, thời gian mất bao lâu?
Thực tế cho thấy những hồ sơ dễ thành công visa gần đây thường là những hồ sơ có sự chuẩn bị tốt về tiếng Anh trước khi tham gia phỏng vấn visa. Những bạn đã có kế hoạch và chuẩn bị chu đáo cho việc học tập của mình tại Mỹ dễ thuyết phục các viên chức Lãnh sự quán hơn khi trình bày về kế hoạch học tập của mình.
Quy trình làm một bộ hồ sơ du học thông thường được chia thành 2 bước chính là chuẩn bị hồ sơ xin học và hoàn tất hồ sơ xin visa.
Hồ sơ xin học tại Mỹ thường bao gồm:
o Đơn xin học (có thể điền trên mạng hoặc tải mẫu đơn từ website của trường)
o Bảng điểm/học bạ 2-3 năm gần nhất kèm theo bản dịch tiếng Anh
o Phí xét đơn xin học (có thể thanh toán trực tiếp trên mạng hoặc chuyển tiền từ ngân hàng…)
o Bằng cấp, chứng chỉ về tiếng Anh (nếu có) như IELTS, TOEFL hoặc SLEP…
o Thư giới thiệu của giáo viên (dành cho sinh viên xin học ĐH, cao học)
o Xác nhận kinh nghiệm làm việc (thường dành cho hồ sơ xin học chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh)
o Riêng đối với bậc CĐ trở lên phải nộp thêm xác nhận năng lực tài chính
o Các chứng chỉ khác theo yêu cầu như SAT, GRE, GMAT… hay các chứng chỉ đặc biệt khác đối với hồ sơ xin học các chương trình như Y, Dược, Luật, Hội họa…
Nếu xin học tại những trường danh tiếng, có thể bạn phải nộp thêm một bài luận cá nhân (personal statement) hoặc phải tham gia một buổi phỏng vấn qua điện thoại nếu trường thấy cần thiết.
Thời gian xét hồ sơ xin học tại các trường của Mỹ không giống nhau. Bạn nên chuẩn bị và nộp hồ sơ thật sớm trước ngày khai giảng. Thời gian thông thường là khoảng 3-5 tháng đối với bậc học PTTH và có thể đến 10-15 tháng cho các bậc học ĐH và sau ĐH.
Qui trình xin thị thực du học Mỹ:
Ngay khi có thư mời học kèm theo mẫu Form I-20 do trường cấp, bạn có thể tiến hành chuẩn bị các tài liệu hỗ trợ cho hồ sơ visa. Thời gian xin thị thực du học ở Mỹ thường không kéo dài. Bạn có thể nhận được kết quả visa ngay trong khoảng 3-5 ngày hoặc chậm nhất khoảng 4 tuần đối với các hồ sơ đặc biệt.
Các tài liệu cần thiết để xin visa như sau:
o Đơn xin visa (điền trực tiếp trên mạng và ký tên đầy đủ)
o Xác nhận đóng phí an ninh nội bộ (trả trực tiếp qua mạng và in xác nhận)
o Biên lai đóng phí phỏng vấn (nộp tại ngân hàng Citibank)
o Hộ chiếu cá nhân còn giá trị
o 1 ảnh thẻ (5x5cm theo quy chuẩn của Đại sứ quán Mỹ)
o Các giấy tờ về học tập cũng như các giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, hộ khẩu…)
o Các giấy tờ chứng minh tài chính (chứng minh bạn có khả năng chi trả cho toàn thời gian tham gia khóa học).
Ngoài ra, tùy từng hồ sơ mà viên chức visa có thể yêu cầu bạn cung cấp thêm hồ sơ để hỗ trợ cho quá trình xét duyệt visa.
3. Cách xin học bổng, xin giảm học phí khi đi du học Mỹ?
Đây là câu hỏi chung mà nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam quan tâm. Học bổng thường dành cho những đối tượng học sinh có thành tích học tập cao và những thành tích cá nhân nổi trội khác. Có nhiều loại học bổng khác nhau mà bạn có thể xin tuy nhiên ở đây tôi chỉ xin nói về cách xin học bổng sao cho thành công nhất. Khi xin học bổng, đặc biệt là những học bổng cao bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho 2 bước quan trọng, đó là (1) Chuẩn bị một bộ hồ sơ ấn tượng và (2) Trả lời phỏng vấn thành công.
Chuẩn bị một bộ hồ sơ ấn tượng:
Một bộ hồ sơ ấn tượng là một bộ hồ sơ không chỉ đảm bảo đạt các yêu cầu cơ bản về thời hạn nộp hồ sơ và số tài liệu được yêu cầu mà bạn còn phải thể hiện được sự khác biệt và nổi bật trong hàng ngàn hồ sơ mà trường nhận được trong đó bài luận sẽ là điểm nhấn quan trọng. Bài luận chính là sự mở đầu cho cơ hội của bạn, là chìa khóa cho thành công của bạn. Bài luận là nơi bạn thể hiện không chỉ những điểm mạnh của bản thân mà còn thể hiện được khả năng viết và tư duy của mình. Chính vì sự quan trọng của bài luận nên bạn phải biết dùng sự khéo léo, sáng tạo để dẫn người đọc đi hết những gì bạn muốn viết.
Viết luận xin học bổng không quá khó nhưng cũng không hề đơn giản vì ở Việt Nam, chúng ta ít sử dụng hình thức này. Nhiều học sinh, sinh viên đã phải bỏ ra cả tháng trời để tìm hiểu thông tin trước khi bắt tay vào viết và phải mất cả tháng tiếp theo để chỉnh sửa cho hay và đúng theo ý muốn của mình. Không có một chuẩn mực cố định nào cho một bài luận hay nên người viết hoàn toàn chủ động trong việc dẫn dắt người đọc tuy nhiên bạn cần chú ý một số điểm như độ dài bài luận, nội dung cần chuyển tải, văn phong cá nhân...
Theo kinh nghiệm của những học sinh, sinh viên đã đạt học bổng thì bài luận mang được dấu ấn riêng của cá nhân sẽ được đánh giá cao. Trong bài luận, bạn phải tận dụng cơ hội để làm nổi bật những điểm mạnh của bản thân, bạn cũng đừng ngại thể hiện cái tôi của riêng mình nhưng quan trọng là phải tránh sa đà vào lối hành văn quá hoa mỹ, dài dòng (độ dài của một bài luận là khoảng 600 - 900 chữ). Bài luận cũng phải xúc tích và thể hiện được dự định về nghề nghiệp, khát vọng học tập và khả năng đóng góp cho xã hội trong tương lai. Một vài sinh viên khi viết luận lồng vào cả những kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế từ những câu chuyện, hình ảnh có thật của bản thân. Đây là một trong nhiều cách ghi điểm hay nhất đối với dạng hồ sơ xin học bổng mang tính cạnh tranh cao.
Trả lời phỏng vấn thành công: Khi xin những học bổng lớn hay học bổng của các trường danh tiếng, thường ứng viên phải trải qua thêm một bước cuối cùng là phỏng vấn trước khi trường quyết định bạn có xứng đáng nhận học bổng hay không. Việc phỏng vấn có thể được thực hiện trực tiếp hay từ xa qua điện thoại hoặc qua các công cụ hỗ trợ khác.
Để có kết quả tốt trong buổi phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu thật kỹ về trường, ngành học, đất nước và khu vực nơi bạn chọn học. Bạn cũng nên chắc chắn là trình độ tiếng Anh của bạn (đặc biệt là kỹ năng nghe và nói) vào thời điểm đó cũng phải vượt trội. Trước ngày phỏng vấn, bạn hãy đứng trước gương hay cùng bạn bè, người thân thực hành cách trả lời trước một số câu hỏi mà bạn nghĩ có thể được hỏi. Khi phỏng vấn trực tiếp bạn nên nhìn thẳng một cách thân thiện với người phỏng vấn, thể hiện nét mặt tươi vui và ăn mặc lịch sự, nhẹ nhàng… Khi trả lời qua điện thoại cố gắng phát âm từ tốn, rõ ràng và tránh có những câu trả lời chung chung gây nhàm chán.
Một kinh nghiệm nữa cho sự thành công khi phỏng vấn là bạn cũng phải chủ động và có thể sẵn sàng đặt các câu hỏi hay phản bác để bảo vệ quan điểm của mình trước người phỏng vấn. Buổi phỏng vấn là một buổi trao đổi thông tin 2 chiều nên người phỏng vấn sẽ đánh giá cao bạn nếu bạn làm cho họ nhận ra được giá trị thực sự của bạn đối với họ và đối với xã hội.
Nhìn chung, so với sinh viên quốc tế thì sinh viên Việt Nam đôi khi học rất giỏi nhưng cách trình bày hồ sơ chưa thực sự ấn tượng, sáng tạo và khi được phỏng vấn bằng tiếng Anh thì lại khá bối rối và trình bày không mạch lạc. Nếu khắc phục được 2 yếu tố này thì cơ hội được nhận những học bổng giá trị của bạn hoàn toàn trong tầm tay.
Một số trang web có thể tham khảo để săn học bổng:
4. Sinh viên được hỗ trợ về việc tìm nhà ở như thế nào? Việc ở nhà dân hay ký túc xá có những thuận lợi/khó khăn gì?
Trước khi đi du học, sinh viên Quốc tế thường được trường cung cấp đầy đủ thông tin về các hình thức nhà ở để lựa chọn. Các thông tin này đều được nhà trường tìm hiểu kỹ thông qua một văn phòng hay một đội ngũ nhân viên hỗ trợ sinh viên Quốc tế trước khi cung cấp cho học sinh. Tuy nhiên, ở một vài thời điểm như sát ngày nhập học thì sự chọn lựa đôi khi không được thoải mái lắm, nên các bạn cần phải có kế hoạch càng sớm càng tốt. Có 2 loại hình nhà ở tại Mỹ: ở nhà dân và ký túc xá.
Home stay (Ở tại gia đình người bản xứ)
Hình thức này khá phổ biến đối với du học sinh trên 18 tuổi khi đi du học. Học sinh sẽ ở cùng một gia đình bản xứ do trường tìm giúp, một gia đình có thể có nhiều hơn một học sinh Quốc tế đến ở. Mỗi học sinh có thể có một phòng ngủ riêng. Học sinh có thể được phục vụ nấu ăn 2 bữa/ngày (bữa sáng và tối) hoặc tự túc hoàn toàn phần ăn tùy theo nhu cầu, sở thích ăn uống của mỗi học sinh. Ở cùng gia đình người bản xứ không chỉ giúp học sinh mở rộng kiến thức về văn hóa Mỹ mà còn nâng cao khả năng tiếng Anh trong thời gian đầu mới sang du học. Phụ huynh học sinh khá an tâm với loại hình nhà ở này vì con em họ cũng được gia chủ quản lý và giúp đỡ phần nào.
Khi đăng kí ở homestay, du học sinh phải ký hợp đồng ở trong thời gian tối thiểu khoảng 4 tuần. Sau đó, tùy tình hình cụ thể, học sinh có thể xin ở tiếp hoặc chuyển chỗ khác và phải báo với gia đình bản xứ trước ít nhất 2 tuần. Việc trả tiền thuê nhà rất linh hoạt, học sinh có thể trả định kỳ 2 tuần/lần hoặc trả theo tháng, quý nếu muốn. Học sinh có thể tự đóng tiền mặt cho nhà chủ hoặc chuyển khoản nhờ nhà trường trả giúp.
Hall of Residence (Ở ký túc xá của trường)
Sinh viên Nguyễn Hương Giang (Thái Nguyên) ở khuôn viên ký túc xá ĐH UCSN (University of California State Northridge)
Nếu muốn ở gần trường, sinh viên nên chọn ký túc xá. Sinh viên cũng thích ở ký túc xá vì rất thuận lợi khi sử dụng các dịch vụ công cộng khác như thư viện, khu thể thao, thể hình, các câu lạc bộ, khu ăn uống, giải trí… Hơn nữa, ở ký túc xá sinh viên không mất nhiều thời gian đi lại cũng như có nhiều cơ hội giao lưu với cộng đồng sinh viên và bạn bè Quốc tế. Ở ký túc xá cũng là cách giúp các bạn sinh viên tự quản về bản thân vì ký túc xá thường có các quy định khá khắt khe yêu cầu sinh viên phải tuân theo. Tuy nhiên, khó khăn chung khi chọn ký túc xá là chi phí quá đắt so với việc thuê nhà riêng bên ngoài trường.
Ký túc xá có nhiều loại để học sinh lựa chọn như: loại phòng nam và phòng nữ, ở khu riêng biệt hay nam nữ ở chung một khu (thường mỗi phòng có 1 hoặc 2 học sinh (đồng giới). Một số trường còn cung cấp loại nhà ở dành riêng cho du học sinh đã có gia đình. Tuy nhiên số lượng nhà ở thuộc loại này thường rất hạn chế và đắt đỏ. Sinh viên có thể thuê loại phòng ở có phòng tắm, nhà vệ sinh riêng hoặc loại dùng chung với 6-10 sinh viên khác tùy theo mục đích sử dụng và điều kiện kinh tế của gia đình.
5. Lời khuyên nào giúp sinh viên Việt Nam thích nghi nhanh với môi trường sống và nền văn hóa mới, tránh những cú sốc văn hóa lúc mới sang Mỹ?
Theo nhà nhân chủng học người Mỹ Kalvero Oberg (1901-1973), "Sốc văn hóa" là thuật ngữ dùng để miêu tả trạng thái lo lắng và cảm giác ngạc nhiên, rối loạn, bối rối... khi một người nào đó tiếp xúc với một môi trường sống có sự khác biệt về văn hóa, xã hội. Nó gây ra tình trạng khó hòa nhập trong môi trường mới và thường không biết nên làm gì cho phù hợp với hoàn cảnh như vậy. Vấn đề này cũng thường xảy ra đối với các du học sinh khi đi du học xa nhà trong đó có du học sinh Việt Nam khi du học tại Mỹ.
Có nhiều biểu hiện của du học sinh Việt Nam khi bị sốc văn hóa gây ra khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường đa quốc tịch và đa văn hóa tại Mỹ. Nhiều bạn tỏ ra choáng vì sự quá tự nhiên của các cặp đôi nơi công cộng hay những phong cách ăn mặc, trang điểm khác thường chẳng thể tìm thấy ở Việt Nam. Có bạn thì cảm thấy thất vọng vì trình độ Anh ngữ thuộc loại khá giỏi của mình thậm chí còn không thể nghe hiểu một số câu, từ đơn giản khi tiếp xúc với giảng viên cũng như người dân bản địa. Bạn lại cảm thấy bất ngờ vì cách dạy học không giống như ở Việt Nam hay ngạc nhiên với những quyển giáo trình dày cộp và đắt đỏ.
Một số bạn tỏ ra chán nản vì không thể chịu được những bữa ăn nhanh được chế biến theo kiểu công nghiệp… Đặc biệt là nhiều bạn thường cảm thấy bị tổn thương trước những lời góp ý thẳng thắn của người nước ngoài. Những tác động như vậy không ít thì nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các bạn trong quá trình học tập.
Một số bạn tỏ ra chán nản vì không thể chịu được những bữa ăn nhanh được chế biến theo kiểu công nghiệp… Đặc biệt là nhiều bạn thường cảm thấy bị tổn thương trước những lời góp ý thẳng thắn của người nước ngoài. Những tác động như vậy không ít thì nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các bạn trong quá trình học tập.
Lý do học sinh, sinh viên Việt Nam thường gặp sốc văn hóa khi đi du học là do có sự khác biệt tự nhiên giữa các nền văn hóa. Một phần lớn nữa là do các bạn Việt Nam thường quen với sự bao bọc và chăm sóc của bố mẹ ở nhà nên khi bắt đầu một cuộc sống mới ở một môi trường mới và lại là môi trường tự lập như Mỹ thì không tránh khỏi những bỡ ngỡ và khó khăn ban đầu.
Tuy nhiên, với sự phát triển của thông tin và các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay, sốc văn hóa không còn là nỗi lo lớn đối với sinh viên Việt Nam. So với cách đây vài năm, sinh viên Việt Nam hiện nay khá năng động. Các bạn thường chủ động trang bị cho mình những kiến thức hữu ích trước khi lên đường du học.
Một trong những cách tốt nhất để tránh những cú sốc văn hóa là bạn phải luôn luôn tự cập nhật thông tin cho bản thân. Hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt về văn hóa Mỹ, đặc biệt là văn hóa của vùng miền nơi mình sắp tới theo học. Việc trang bị kiến thức kỹ càng cho mình sẽ giúp bạn sẵn sàng cho mọi thách thức, thay đổi từ đó dễ dàng thích nghi và trải nghiệm cuộc sống mới, tạo cảm giác hứng thú trong quá trình học tập.
Các bạn cũng có thể tham khảo những người đi trước về những khó khăn họ gặp phải liên quan đến sự khác biệt văn hóa để từ đó rút ra những kinh nghiệm sống cho bản thân, giúp bạn thể nhanh chóng thích nghi khi sống xa nhà. Việc này có thể thông qua báo chí, Internet, phim ảnh, các diễn đàn du học, các buổi giao lưu trực tiếp với các đại diện của trường hay với các cựu du học sinh…
Ngoài ra các bạn cũng cần phải sẵn sàng cởi mở hơn để tiếp nhận cái mới, cái lạ (tất nhiên phải biết chắt lọc học hỏi cái hay và dè chừng cái xấu) và chia sẻ những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình với bạn bè thế giới. Có như vậy bạn sẽ thấy cuộc sống đa dạng sắc màu, giúp cho bạn thêm động lực để học tập tốt.
Sốc văn hóa đôi khi cũng mang đến cho bạn hiệu ứng tích cực. Kiểm soát được vấn đề này là bạn đã biết vượt qua khó khăn và rèn luyện bản thân nhiều hơn. Sốc văn hóa cũng giúp bạn nhớ lâu hơn, ấn tượng hơn về một nền văn hóa khác, giúp cho cuộc sống sau này của bạn thêm nhiều ý nghĩa.
Nguồn :Sưu tầm