Những quy tắc trên bàn ăn không phải ai cũng biết
Đúng như câu thành ngữ “nhập gia tùy tục”, khi đến mỗi đất nước, một trong những điều mà khách du lịch cần biết chính là những quy tắc trên bàn ăn của nước này.
Mỗi đất nước sẽ có những quy định bất thành văn về cung cách ăn uống, mà với khách du lịch đôi khi sẽ trở nên rất lạ lùng. Cùng bỏ túi một vài quy tắc thú vị của các quốc gia khác nhau để chúng ta không bỡ ngỡ khi đi du lịch nhé!
Hàn Quốc
Một nguyên lý quan trọng mang tính nền tảng của văn hóa Hàn Quốc là kính trên nhường dưới. Tại Hàn Quốc, thứ bậc theo thế hệ, độ tuổi và giới tính luôn được đề cao. Ngoài việc sử dụng kính ngữ trong mọi bối cảnh đời sống, khi ăn uống, người Hàn cũng rất chú trọng đến thái độ cung kính của người nhỏ tuổi với người lớn tuổi hơn. Khi một ai đó – dù chỉ hơn bạn 1, 2 tuổi – mời bạn món uống nào đấy, bạn hãy đừng quên nhận nó bằng hai tay cung kính cùng tư thế hơi cúi đầu nhé!
Tương tự như vậy, không ai trong bàn ăn đụng đũa trước khi người lớn tuổi nhất bắt đầu. Việc rời khỏi bàn cũng được quyết định bởi người này: Bạn chỉ kết thúc bữa ăn và đi khỏi khi người lớn tuổi nhất dùng xong bữa. Tuy nhiên, ngày nay tại Hàn Quốc, quy tắc đó đã thoải mái hơn nhiều và thường chỉ được lưu ý hơn vào các dịp lễ lạc.
Nhật Bản
Thìa và đũa là hai dụng cụ chủ yếu được sử dụng trong ăn uống tại Nhật, trong đó, đũa đặc biệt được người Nhật quan tâm.
Có rất nhiều quy cách dùng đũa bất thành văn mà bạn nên biết: Thứ nhất, đũa phải luôn được đặt trên kệ khi không sử dụng và song song với cạnh bàn. Khi ăn các món có cơm như sushi, bạn có thể dùng tay hoặc gắp sao cho đầu đũa chạm vào phần nhân hay rong biển. Tránh để đầu đũa cắm trực tiếp vào cơm bởi người Nhật tin rằng điều này sẽ làm hỏng hương vị của phần cơm giấm.
Thứ hai, người Nhật rất kị chuyện hai người lấy đũa để chuyền thức ăn, vì trong phong tục hỏa táng, thân nhân người mất cũng cùng cầm đũa để gắp những… mảnh hài cốt cho vào bình. Nếu bạn muốn gắp thức ăn cho người cùng bàn, hãy nhớ là bỏ thẳng phần thức ăn đó vào bát của họ thay vì dùng đũa chuyền cho nhau nhé!
Mexico
Đặc sản nổi tiếng nhất của người Mexico là bánh tacos, tuy nhiên không phải ai cũng biết ăn tacos đúng cách. Dù bánh khá to và dày do nhiều nhân, nhưng việc đặt tacos lên đĩa rồi ăn nó bằng dao - nĩa trong mắt người Mexico là khá kì cục. Họ xem hành động này là bắt chước Châu Âu - hợm hĩnh và không trân trọng món ăn dân tộc. Do đó khi tới Mexico, bạn đừng ngần ngại mà cầm một chiếc tacos “hoành tráng” và cắn một miếng thật to nhé! Điều này sẽ làm vừa lòng người dân bản địa hơn đấy!
Ý
Lừng danh với các công thức cà phê Cappuccino béo ngậy ngon tuyệt, nhưng bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng người Ý uống cà phê không nhiều, và chỉ vào một vài thời điểm nhất định trong ngày. Hàng ngày, họ chỉ uống tối đa 1 ly cappuccino vào hai thời điểm: vào buổi sáng với chiếc bánh sừng bò nhẹ nhàng làm điểm tâm hoặc trong một cữ trước bữa trưa. Sau 3 giờ chiều, không có người Ý nào ngồi nhâm nhi cappuccino trong tiệm cà phê nữa, bởi họ tin rằng uống cappuccino từ chiều tối trở đi sẽ làm rối loạn dạ dày.
Tương tự như cappuccino, món ăn nổi tiếng tiếp theo của xứ Rome là pho mát Parmesan cũng mang trong mình những quy tắc thưởng thức ít ai ngờ đến. Thực chất Parmesan không phổ biến quá mức tại Ý và người Ý không “phát cuồng” vì nó. Pizza Ý chính hiệu có thể hơi ít pho mát – nhưng bạn đừng bao giờ xin thêm Parmesan – đầu bếp pizza luôn biết chính xác lượng pho mát cần thiết cho bánh của bạn. Và cũng đừng ngạc nhiên nếu nhiều món ăn truyền thống như Pecorino lại sử dụng nhiều loại pho mát “lạ hoắc” như Bucatini all'amatriciana thay vì Parmesan nhé!
Pháp
Thông niệm của chúng ta về món khai vị Pháp là một lát bánh mì nóng giòn với gan ngỗng béo ngậy, tuy nhiên điều này lại hoàn toàn sai so với thói quen ăn uống của người Pháp. Trên bàn ăn, bánh mì được sử dụng như món ăn “giữa chặng” – tức là trong khoảng thời gian kết thúc khai vị và chờ đợi món chính, bạn có thể nhâm nhi một chút bánh mì cho vui miệng, đồng thời “làm sạch” khẩu vị để chuẩn bị cho món mới. Bánh mì không phải là yếu tố quá quan trọng trong bữa ăn ở Pháp, do đó đừng bất ngờ khi người Pháp có thói quen đặt bánh xuống bàn thay vì để chỉnh tề trên đĩa.
“Nhập gia tùy tục” – mỗi đất nước đều chứa đựng một nền lịch sử và văn hóa khác nhau với những quan niệm, tín ngưỡng và phong tục riêng. Hiểu biết và tôn trọng các quy tắc trên bàn ăn của quốc gia mình ghé thăm là điều cần thiết, không chỉ để cho chuyến đi của bạn trở nên suôn sẻ hơn, mà còn thể hiện một thái độ lịch sử và cởi mở nên có của một lữ khách từ phương xa.
Nguồn sưu tầm